Lươn là một trong những loại cá đặc biệt. Loại cá này có thân hình như… con rắn. Thế nên rất nhiều người sợ loại cá này. Tuy nhiên, lươn được xem là một trong những siêu thực phẩm dinh dưỡng. Từ lươn có thể chế biến ra rất nhiều món ăn cho cả người lớn lẫn trẻ em. Lươn xào chuối, lươn xào sả ớt là những món được các bà nội trợ rất ưu ái. Đối với trẻ em, các mẹ thường bồi bổ bằng cháo lươn. Khi nấu cháo lươn, nhiều người khuyên rằng nên để cả con như thế nấu. Vì máu trong lươn là rất bổ dưỡng. Nhiều mẹ khác lại chọn làm sạch kỹ càng rồi mới nấu. Vậy rốt cục nên nấu lươn như thế nào cho đúng? Và cho bé ăn lươn thế nào để phát huy tối đa dinh dưỡng?

Nguy hiểm tiềm ẩn trong thịt lươn

Lươn tự nhiên hay nuôi thì đều sống trong nước với rất nhiều tạp chất. Thịt lươn lại thơm, ngọt nên là chỗ trú ngụ và tấn công của nhiều lọa ký sinh trùng. Do đó, nếu chẳng may các mẹ sơ ý, ký sinh trùng sẽ không được làm sạch và loại bỏ hoàn toàn. Từ đó sẽ xâm nhập vào cơ thể trẻ nhỏ.

Dinh dưỡng trong thịt lươn

Trong Đông y, lươn có tính ôn, vị ngọt, công hiệu bổ khí dưỡng huyết, làm mạnh gân cốt, thanh nhiệt, nhuận tràng, an thần, mạnh gân xương, thích hợp với người lao lực, ho hen, tiêu khát, kiết lỵ, phong thấp đau nhức, gân cốt rã rời, thận hư đau lưng, liệt thần kinh mặt.\

an-luon-1

Theo Bảng thành phần thức ăn của Viện Dinh dưỡng quốc gia, cứ trong 100 gam thịt lươn có 18,7 g đạm, 0,9 g chất béo, sắt, canxi và nhiều vitamin như A, D, B1, B2, B6…

Ở Nhật, lươn là món ăn quanh năm, nhiều nhất là mùa hè. Người Nhật có riêng một ngày hội ăn lươn hàng năm và gọi lươn là “sâm dưới nước”, vì thịt lươn có nhiều vitamin A, DHA. Món ăn này được chế biến món ăn cho các võ sĩ đấu vật Sumo, quyền Anh.

Cách chế biến và ăn lươn đúng nhất

Lươn sống ở môi trường bùn lầy dơ bẩn mà lại ăn tạp cho nên nguy cơ mắc những loại ký sinh trùng rất cao. Trong thịt còn có một loại ấu trùng ký sinh sống rất dai và chịu được nhiệt độ cao. Đây còn là loại động vật ăn tạp nên trong hệ tiêu hoá có nguy cơ nhiễm trùng và ký sinh trùng cao.

Vì vậy, nếu chỉ xào qua trên lửa, chúng vẫn còn sống và theo đường ăn uống đi vào ruột. Do đó, lươn phải chế biến bằng cách nấu chín, ninh nhừ hoặc hấp cách thủy… bảo đảm sao cho thịt lươn khi được dọn lên mâm đã được nấu chín kỹ.

Trong thành phần của thịt lươn có chứa loại axit amin histidine, loại axit này tốt cho em bé. Nhưng đối với lươn chết thì loại axit có lợi này nhanh chóng biến thành histamine. Đây là chất gây hại cho con người.

Bà nội trợ không nên tiếc rẻ khi mua những con lươn đã chết hoặc ươn vì khi chết hợp chất này có thể chuyển hóa thành chất độc Histamine. Bình thường, cơ thể người có thể chịu đựng một hàm lượng chất độc này, nhưng nếu hàm lượng cao hoặc cơ thể yếu, mới bệnh xong hoặc trẻ em có sức đề kháng kém sẽ có nguy cơ bị ngộ độc rất cao.

Để an toàn, bạn nên chọn những con lươn còn tươi sống và làm sạch kỹ để loại bỏ hết chất bẩn trong ruột của chúng.

Bé đang bị bệnh sốt rét, vàng da, kiết lỵ, đầy bụng, khó tiêu, không nên ăn lươn. Người gout hạn chế ăn do đạm trong lươn có thể khiến bệnh thêm trầm trọng.

Nguồn: vnexpress.net

Hồng Minh