Việc nấu ăn cho từng đối tượng trẻ em theo lứa tuổi là hoàn toàn khác nhau. Trẻ vừa tập ăn dặm không thể nào ăn uống như trẻ lên 5, lên 6. Bé dưới 2 tuổi cũng không thể nào ăn thức ăn giống bé đã đi học. Ở từng độ tuổi, cơ thể bé đều thay đổi nhất định. Hệ tiêu hóa và các bộ phận chức năng trong cơ thể cũng đổi thay. Do đó, không thể đánh đồng mọi chế độ ăn uống của bé được. Nhất là trong việc nêm nếm gia vị. Ở việc này, người ta chia thành hai nhóm đối tượng chính. Đó là nhóm dưới 2 tuổi và nhóm trên 2 tuổi. Và hai nhóm này có chế độ ăn uống, cũng như nhu cầu về gia vị trong thức ăn khác nhau.

Trẻ dưới 2 tuổi, hệ tiêu hóa còn đang rất nhạy cảm

Trẻ dưới 2 tuổi thường là đang tập ăn dặm và cũng đang tập đi. Do đó, chế độ dinh dưỡng của các em rất phức tạp. Những gia vị bạn dùng để nấu ăn hàng ngày không phải lúc nào cũng tốt cho các bé. USDA là bộ Nông nghiệp Mỹ. Mới đây, họ đã công bố bảng cân bằng về chế độ ăn uống cho bé dưới 2 tuổi. Và cha mẹ cần lưu ý những điều dưới đây.

Hạn chế tối đa sử dụng đường trong thức ăn của bé dưới 2 tuổi

Trong ấn bản mới nhất về hướng dẫn dinh dưỡng thường niên của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), cập nhật 5 năm 1 lần, trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi không nên tiêu thụ bất kỳ loại đường nào, vì sẽ gây ra bệnh béo phì ở trẻ em và các tình trạng sức khỏe mãn tính trong tương lai.

Tuy nhiên, khi trẻ được 2 tuổi, lượng đường bổ sung cho cơ thể trẻ phải là nguồn cung cấp tối đa 10% lượng calo của trẻ.

duoi-2-tuoi-3

Đồng thời, nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy, trung bình trẻ sơ sinh tiêu thụ 1 muỗng cà phê đường mỗi ngày, còn trẻ mới biết đi tiêu thụ khoảng 6 muỗng cà phê đường mỗi ngày.

Đáng chú ý hơn, Ủy ban Tư vấn hướng dẫn chế độ ăn uống cũng chỉ ra rằng: “Gần 70% lượng đường bổ sung đến từ 5 loại thực phẩm: đồ uống ngọt, món tráng miệng và thức ăn nhanh có vị ngọt, cà phê và trà (có đường), kẹo và đường, ngũ cốc ăn sáng và thanh năng lượng. Theo đó, chỉ cần loại bỏ các thực phẩm trên trong chế độ ăn của trẻ đã có thể giúp giảm tới 70% lượng đường”.

Chú ý đến lượng chất béo

Tương tự, chất béo bão hòa nên được giới hạn ở mức 10% lượng calo có thể nạp vào cơ thể mỗi ngày đối với những trẻ em dưới 2 tuổi. Còn lượng natri được khuyến nghị bị giới hạn ở mức là 2300mg cho trẻ em dưới 14 tuổi (không thay đổi so với hướng dẫn năm 2015).

Không gì có thể thay thế nguồn sữa mẹ

Đối với trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi: Trẻ nên được bú sữa mẹ hoàn toàn. Hoặc sữa công thức tăng cường chất sắt. Đối với trẻ từ 6 tháng trở lên có thể bổ sung các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Song sữa mẹ vẫn được khuyến khích nên bổ sung vào chế độ ăn của trẻ trong ít nhất là một năm đầu đời.

Trong sữa mẹ có tất cả các thành phần dinh dưỡng. Đó là chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin, khoáng chất. Cũng có các yếu tố vi lượng rất tốt cho quá trình phát triển của trẻ. Tuy nhiên, để đảm bảo được chất lượng sữa đáp ứng nhu cầu cho quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ, mẹ cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm trong khẩu phần ăn hằng ngày.

Nguồn: vnexpress.net

Hồng Minh