Vàng da ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý thường gặp khi bé mới ra đời. Nếu là vàng da sinh lý thì sẽ không đáng lo ngại. Nhưng nếu là vàng da bệnh lý thì ba mẹ cần đặc biệt chú ý đến trẻ.
Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh là gì? Có nguy hiểm không?
Bệnh vàng da là bệnh lý khi hồng cầu trong máu của bé bị vỡ, dẫn đến việc chuyển hóa bilirubin của gan không hoàn thiện. Nếu là trường hợp vàng da sinh lý, thì trong vòng 10 ngày, da bé sẽ hồng hào tự nhiên. Nhưng nếu vàng da ở trẻ sơ sinh là bệnh lý, nó sẽ để lại nhiều biến chứng nặng nề. Khi không được phát hiện kịp thời, bệnh tình nặng hơn sẽ khiến trẻ bị nhiễm độc thần kinh; dẫn đến chậm phát triển. Thậm chí còn có khả năng tử vong.
Để ba mẹ có phương pháp theo dõi và chăm sóc sức khỏe bé tốt, cả hai cần phân biệt được vàng da bệnh lý và sinh lý.
Vàng da ở trẻ sơ sinh sinh lý?
Ở trẻ đủ tháng, bình thường thì vàng da được coi là sinh lý khi vàng da xuất hiện sau 24 giờ tuổi. Hết trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng. Mức độ vàng da nhẹ (chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn). Vàng da đơn thuần, không kết hợp các triệu chứng bất thường khác (thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ…). Nồng độ bilirubin/máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14mg% ở trẻ non tháng…Tốc độ tăng bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ.
Thế nào là vàng da ở trẻ sơ sinh bệnh lý
Vàng da được coi là bệnh lý khi có bất thường từ một trong số các tiêu chuẩn sau:
– Vàng da đậm xuất hiện sớm;
– Không hết vàng sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng;
– Mức độ vàng toàn thân và cả mắt;
– Vàng da kết hợp các triệu chứng bất thường khác (trẻ lừ đừ, bỏ bú, co giật…);
– Xét nghiệm bilirubin trong máu tăng hơn bình thường.
Khi có các dấu hiệu vàng da bệnh lý như nói trên, cần phải đưa ngay trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa Nhi để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.
Làm gì khi trẻ bị vàng da?
Đối với trường hợp nhẹ, có thể điều trị tại nhà bằng cách tắm nắng. Đặt trẻ gần cửa sổ, nơi có ánh nắng dịu của mặt trời (vào khoảng 8-8h30 mỗi sáng, lúc trời không quá nóng hay quá lạnh). Cho trẻ bú nhiều lần trong ngày vì sữa mẹ giúp đào thải nhanh chất Bilirubin qua đường tiêu hóa. Cần theo dõi diễn tiến của chứng vàng da mỗi ngày trong vòng 7-10 ngày sau sinh.
Trẻ bị vàng da nặng cần được nhập viện ngay để được điều trị tích cực bằng các phương pháp sau:
– Chiếu đèn: Ánh sáng của đèn biến Bilirubin thành chất không độc và được thải nhanh ra khỏi cơ thể qua đường tiêu hóa, đường tiểu.
– Thay máu: Lấy bớt chất Bilirubin ra khỏi cơ thể một cách nhanh chóng.
Việc điều trị bệnh vàng da rất khó khăn, trẻ phải được rọi đèn nhằm loại bỏ nhanh chất độc trong cơ thể, phải thay máu nếu bị nặng và làm xét nghiệm để tìm độc chất bilirubin. Ngoài ra, cần sử dụng thuốc điều trị bệnh vàng da đặc hiệu theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Theo Kênh Sức Khỏe
Bảo Vân