Giá đỗ, hay còn gọi vắn tắt là giá – là một trong những loại rau nhưng không có màu xanh. Giá đỗ lớn lên từ sự mọc mầm của đậu xanh (đỗ xanh). Thân giá mọng nước, màu trắng đục. Trong giá đỗ có rất nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể. Trong đó nhất định phải kể đến vitamin C. Khi còn là những hạt đậu xanh, trong hạt đậu có rất ít dưỡng chất. Nhưng khi thành giá rồi, lại trở thành thực phẩm yêu thích và bổ ích của nhà nhà. Giá đỗ có thể dùng để nấu canh chua, xào rau muống, hay trụng sơ rồi ăn kèm với bún tiêu, hủ tiếu cũng rất ngon. Tuy nhiên, có 5 kiểu đối tượng cần hạn chế ăn giá đỗ.

Tìm hiểu sự chuyển hóa dinh dưỡng từ đậu xanh thành giá đỗ

Khi còn là hạt đậu, hầu như chỉ có tính làm mát cơ thể là chính. Tuy nhiên, khi biến thành giá rồi, lượng vitamin C trong giá tăng gấp 40 lần so với đậu xanh. Trong khi đó, vitamin B12 thì cao hơn gấp 10 lần. Con số này là 2 đến 4 lần đối với vitamin B2. Trong loại rau này còn rất nhiều dưỡng chất khác cần thiết cho cơ thể. Có thể kể đến là phytochemicals, protein, amino axit và khoáng chất khác.

an-gia-do-1

Những dưỡng chất có trong loại rau này

Chất đạm (protein)

Giá đỗ là một nguồn chứa đạm thực vật mức trung bình. Mỗi 100g giá cung cấp khoảng 5,3g protein – 11% giá trị dinh dưỡng khuyến nghị hằng ngày đối với nữ giới và 9,4% đối với nam giới. Protein chứa trong giá là dạng protein không hoàn chỉnh vì nó không cung cấp tất cả các loại axit amin mà cơ thể cần.

Vitamin

100g giá đỗ xào chín chứa một nguồn cung cấp vitamin B, riboflavin, axit pantothenic, vitamin B6, thiamin và niacin tuyệt vời. Giá cũng là nguồn chứa vitamin C cao đáng kể (100g giá có khoảng 19,8mg vitamin C – tương đương 22% giá trị dinh dưỡng khuyến nghị hàng ngày đối với nam giới và 26% đối với nữ giới).

Carbohydrate

Đối với một người trưởng thành có chế độ ăn cần hấp thu 2.000 calo, giá đỗ sẽ cung cấp từ 4–5,7% carbohydrate (trong tổng 225–325g) cơ thể cần hấp thu hàng ngày.

Giá đỗ chứa 2,4g chất xơ tiêu hóa trong mỗi 100g giá – khoảng 7% giá trị dinh dưỡng khuyến nghị hằng ngày đối với nam giới và 8,5% đối với nữ giới.

Khoáng chất

Giá đỗ đặc biệt giàu khoáng chất đồng, mỗi chén giá nấu chín chứa đến 316µg (tương đương 0,32mg). Trung bình một người trưởng thành cần hấp thu khoảng 0,9mg đồng mỗi ngày. Qua đó cho thấy một chén giá đỗ đã đáp ứng khoảng 35% nhu cầu dinh dưỡng này cho cơ thể.

Đối tượng nào thì nên hạn chế ăn giá đỗ

Phụ nữ trong thai kỳ hay cho con bú

Phụ nữ mang thai và người đang cho con bú không nên ăn giá đỗ sống. Nguyên nhân là do loại rau này được làm ở nhiệt độ khoảng 35 độ C trong môi trường ẩm ướt. Đây chính là điều kiện lý tưởng để các loại vi khuẩn phát triển. Nếu muốn ăn giá đỗ, mẹ nên chần qua nước sôi hoặc nấu chín để dẩm bảo an toàn.

Người viêm dạ dày mãn tính

Bệnh này gây ra hiện tượng chân tay lạnh thiếu lực, lưng, và chân đau nhức, đi ngoài phân lỏng. Nếu ăn giá đỗ, đặc biệt là giá đỗ sống sẽ làm cho bệnh thêm nặng, gây tiêu chảy dẫn đến mất nước huyết khí ngừng trệ, cơ bắp và khớp bị đau nhức, tỳ vị dạ dày yếu, lạnh…

Người chân tay hay bị lạnh, yếu

Giá đỗ tính hàn, gây lạnh. Những người thường xuyên chân tay lạnh, thể trạng hàn… nên tránh ăn loại thực phẩm này.

Người đang uống thuốc

Giá đỗ có khả năng giải độc nên có thể làm giảm tác dụng của các loại thuốc trị bệnh. Do đó, khi đang dùng thuốc bạn nên tránh ăn giá đỗ.

Người đang đói bụng

Giá đỗ có tính lạnh nên ăn khi đói sẽ gây hại dạ dày. Để hấp thu hết các chất dinh dưỡng, phát huy tác dụng của giá đỗ, bạn nên ăn chúng cùng các loại thực phẩm khác trong bữa ăn.

Trích dẫn từ phunutoday.vn

Hồng Minh