Stress đang dần trở thành một căn bệnh phổ biến đối với chúng ta và nó không tha cho bất cứ một lứa tuổi hay giới tính nào, dù già hay trẻ, dù trai hay gái. Việc phải đối mặt với những áp lực của cuộc sống hằng ngày khiến cho mọi người không khỏi mệt mỏi, chán nản. Các bạn trẻ ở lứa tuổi thanh thiếu niên ngày nay cũng mắc phải tình trạng này rất nhiều. Áp lực từ việc thi cử, từ sự kì vọng của gia đình, chuyện yêu đương, bạn bè cãi nhau,… cũng sẽ khiến cho trẻ không khỏi rối loạn, lo lắng.

Việc gặp phải tình trạng stress từ sớm như vậy ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của các bạn thanh thiếu niên. Chính vì thế chúng ta cần phải tìm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng stress của trẻ để từ đó có thể đưa ra được những biện pháp điều trị sao cho phù hợp. Bài viết dưới đây sẽ nêu ra các các tác nhân và lĩnh vực mà có thể gây ra tình trạng stress cho thanh thiếu niên. Hy vọng với những thông tin này có thể giúp ích cho các bạn trẻ trong quá trình phát triển bản thân mình.

Các tác nhân thường gặp dẫn tới Stress ở thanh thiếu niên

Căng thẳng trong học tập

Nhiều thanh thiếu niên rất lo lắng về việc duy trì kết quả học tập như mong muốn, làm vừa lòng thầy cô và gia đình và theo kịp các bạn cùng lớp. Kỹ năng quản lý thời gian chưa tốt hoặc cảm thấy bị choáng ngợp bởi số lượng công việc cũng có thể gây căng thẳng cho các em.

Căng thẳng trong quan hệ xã hội

Thanh thiếu niên đánh giá rất cao cuộc sống xã hội của mình. Các bạn trẻ dành phần lớn thời gian trong ngày ở cùng bạn cùng trang lứa; và việc tìm ra và duy trì một nhóm bạn thân cũng là một vấn đề gây ra nhiều căng thẳng.

Bắt nạt học đường thô thiển hay tinh vi cũng là nguồn gây stress cho thanh thiếu niên. Nhưng học cách quản lý các xung đột và làm thông thoáng các mối quan hệ tình cảm chẳng phải chuyện dễ dàng đối với người trẻ.

Áp lực từ bạn bè cũng là một nguồn gây stress. Trong nỗ lực thiết lập và duy trì tình bạn, thanh thiếu niên có thể dấn thân vào những hành vi nằm ngoài vùng thoải mái của mình để làm vừa lòng bạn bè đồng trang lứa.

Bất hòa trong gia đình

Những căng thẳng nhỏ tích tụ lâu ngày và bất cứ điều gì tác động đến gia đình đều có thể ảnh hưởng đến thanh thiếu niên. Những kỳ vọng không thực tế; cha mẹ không hòa thuận; anh chị em lục đục; người thân bị ốm; căng thẳng tài chính đều có thể làm gia tăng căng thẳng ở thanh thiếu niên.

Những sự kiện gây chấn thương tâm lý

Cái chết của một thành viên gia đình hoặc bạn bè; tai nạn; bệnh tật; lạm dụng tình cảm hoặc thể xác kéo dài có thể có tác động lâu dài đến mức độ căng thẳng của thanh thiếu niên.

Những thay đổi lớn trong cuộc sống

Chuyển nhà; chuyển trường hay có sự xáo trộn lớn trong cuộc sống; do bố mẹ li dị hay kết hôn lần nữa đều có thể gây ra căng thẳng cho thanh thiếu niên. Bạn trẻ có thể vô cùng bối rối vì không biết phải làm gì với những thay đổi này.

Một số lĩnh vực chính có thể gây stress ở thanh thiếu niên 

  • Những thay đổi về thể chất và tâm lý của tuổi dậy thì.
  • Áp lực học đường và quyết định nghề nghiệp.
  • Lịch trình nhồi nhét: lịch học chính khóa và học thêm dày đặc; thể thao; sinh hoạt ngoại khóa; hoạt động xã hội và nghĩa vụ gia đình.
  • Công việc làm thêm sau giờ học hoặc vào kỳ nghỉ.
  • Áp lực về ngoại hình (với các cô gái trọng tâm thường là chuyện gầy béo; với các chàng trai thường là chuyện cơ bắp).
  • Áp lực về kiểu quần áo phải mặc, trang sức cần mang hay kiểu tóc cần để.
  • Chuyện kết bạn hay hẹn hò.
  • Xung đột với bạn bè.
  • Bị bắt nạt hoặc tiếp xúc với bạo lực hoặc quấy rối tình dục.
  • Áp lực thử nghiệm ma túy, thuốc lá, rượu hoặc tình dục.
  • Xung đột với gia đình.

Xem thêm các bài viết về sức khỏe khác tại đây.

Trích dẫn từ Phongkhamcaythongxanh.org.vn
Lê Sơn