Mụn trứng cá là một trong những căn bệnh da liễu phổ biến nhất ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Tội phạm gây ra tình trạng này chính là việc các bã nhờn sản sinh ra quá mức ở lứa tuổi này do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến lỗ chân lông bị tắc nghẽn gây ra tình trạng viêm. Mụn trứng cá tuy là không gây hại nhiều đến sức khỏe của trẻ, tuy nhiên nó lại ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt thẩm mỹ.

Những thanh thiếu niên khi gặp phải tình trạng này quá nhiều thường cảm thấy tự ti về ngoại hình của mình, điều này ảnh hưởng không ít đến tâm lý của chúng. Vậy để hiểu rõ hơn về mụn trứng các, bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc một số thông tin hữu ích về căn bệnh này như là đặc điểm của mụn trứng cá; và lý do tại sao chúng lại hay thường xuất hiện ở lứa tuổi thanh thiếu niên nhiều đến như vậy.

Các loại mụn trứng cá và đặc điểm của chúng

Mụn trứng cá gồm những dạng như sau:

Những loại mụn không do viêm

  • Mụn đầu đen: xảy ra khi lỗ chân lông bị tắc do sự kết hợp của bã nhờn và tế bào da chết. Phần trên cùng của lỗ chân lông vẫn mở, nên các tế bào da chết, xác vi khuẩn,… phản ứng với oxy trong không khí tạo nên màu đen của mụn mà chúng ta nhìn thấy.

  • Mụn đầu trắng: Mụn đầu trắng cũng hình thành khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi bã nhờn và tế bào da chết. Nhưng không giống như mụn đầu đen; đỉnh lỗ chân lông của mụn đầu trắng đóng lại làm mụn giống vết sưng nhỏ nhô ra khỏi da. Do lỗ chân lông bị đóng lại nên việc điều trị mụn đầu trắng khó khăn hơn.

Những loại mụn do viêm

Bên cạnh bã nhờn và tế bào da chết; vi khuẩn cũng có thể đóng vai trò quan trọng làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Vi khuẩn sinh mụn có thể gây nhiễm trùng sâu bên dưới bề mặt da gây ra những loại mụn viêm như:

  • Mụn sần: Mụn sần xảy ra khi tình trạng viêm làm phá vỡ vách xung quanh lỗ chân lông. Khi chạm vào khu vực da có mụn sần, cảm thấy lỗ chân lông cứng, bị tắc. Da xung quanh các lỗ chân lông này thường có màu hồng.
  • Mụn mủ: Mụn mủ cũng hình thành khi vi khuẩn gây tình trạng viêm làm vách xung quanh lỗ chân lông bị phá vỡ. Nhưng khác với mụn sần; mụn mủ thường có đầu màu vàng hoặc trắng trên đầu, bên trong chứa đầu mủ.
  • Mụn bọc: mụn bọc được hình thành khi nang lông bị vỡ ở dưới đáy và đẩy mụn lên bề mặt da. Mụn bọc có đặc điểm là sưng, đỏ, kích thước lớn, sờ vào thấy đau.
  • Mụn dạng nang: có thể phát triển khi lỗ chân lông bị tắc bởi sự kết hợp của vi khuẩn, bã nhờn và tế bào chết. Phản ứng viêm gây tổn thương sâu dưới bề mặt da. Đây là dạng mụn có kích thước lớn nhất, chứa đầy mủ, dễ để lại sẹo.

Tại sao lứa tuổi thanh thiếu niên lại là đối tượng tấn công của mụn trứng cá?

Nguyên nhân chính xác của hiện tượng này vẫn chưa được giải thích rõ nhưng hormone androgen được cho là đóng vai trò quan trọng. Androgen tăng ở cả bé trai và bé gái trong giai đoạn dậy thì. Androgen làm cho tuyến dầu của da trở nên lớn hơn; tạo ra nhiều bã nhờn hơn gây nguy cơ bít tắc lỗ chân lông gây mụn.

Di truyền cũng có thể có vai trò quan trọng trong sinh mụn trứng cá. Nếu có cha mẹ bị mụn trứng cá, bạn cũng có nguy cơ bị mụn cao hơn.

Sử dụng một số loại thuốc như androgen, lithium, prednisolon,… có thể gây mụn trứng cá. Ngoài ra, mỹ phẩm với độ đặc nhờn cao cũng có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông, gây mụn. Các loại mỹ phẩm gốc nước sẽ ít gây mụn hơn so với mỹ phẩm gốc dầu.

Một số yếu tố có thể làm tình trạng mụn trứng cá tuổi teen nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Chà xát da quá mức gây ma sát, tổn thương da.
  • Thường xuyên sờ, nặn mụn
  • Mặc quần áo quá chật có thể làm nghiêm trọng hơn mụn ở cổ, lưng, ngực và vai.
  • Nồng độ hormone sinh dục nữ thay đổi trước kỳ kinh nguyệt có thể kích thích gây mụn ở một số người.
  • Tình trạng căng thẳng kéo dài.

Xem thêm các bài viết về sức khỏe khác tại đây.

Trích dẫn từ vinmec.com
Lê Sơn