Da trẻ nhỏ thường rất nhạy cảm, vì vậy làn da rất dễ bị tổn thương từ tác động bên ngoài dẫn đến bệnh chàm. Vậy căn bệnh này là gì? Và làm thế nào để ngăn ngừa bệnh lý này ở trẻ nhỏ?
Bệnh chàm là gì? Nguyên nhân dẫn đến bệnh
Bệnh chàm thường được gọi là chàm sữa hoặc lác sữa. Đây là loại bệnh viêm da mãn tính và thường gặp ở trẻ nhỏ; nhất là ở trẻ sơ sinh. Bệnh sẽ có biểu hiện rõ nhất khi lớp Keratin của da bị thiếu nước, dẫn đến việc mất cân bằng trong cấu trúc. Có không ít nguồn dẫn đến bệnh này ở trẻ em. Nguyên nhân có thể do các cơ quan tiêu hóa, nội tiết, bài tiết, thần kinh,…rối loạn. Lý do cũng có thể là do gen di truyền hoặc trẻ tiếp xúc với bụi bẩn, ô nhiễm môi trường. Hoặc bệnh cũng được sinh ra do cơ thể trẻ bị thiếu chất; thiếu vitamin; cơ địa dị ứng với thời tiết; dị ứng hải sản;…
Dấu hiệu nào ở trẻ mắc bệnh chàm?
Khi bị chàm sữa, trẻ có biểu hiện khởi đầu là mảng hồng ban, sẩn, mụn nước; rịn nước, đóng mài, tróc vảy. Vị trí thường ở hai má, có thể lan đến cằm, da đầu, trán, nhưng không có ở mắt, mũi. Bệnh nặng có thể lan đến mặt dưới cánh tay, khuỷu, da đầu, thân mình, tứ chi nhưng vùng tã lót và vùng nách không bị ảnh hưởng.
Tuy không quá nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ nhưng bệnh khiến trẻ rất khó chịu, ngủ không ngon giấc; quấy khóc; bú kém; vùng da bị tổn thương khô căng, nứt nẻ, trẻ hay cào gãi gây trầy xước da; chảy máu dẫn đến bội nhiễm.
Cách xử trí
Thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh da cho trẻ sạch sẽ, giữ cho da trẻ luôn khô ráo, tránh đổ mồ hôi ẩm ướt, lau rửa người bằng nước ấm, nên cho bé mặc quần áo bằng chất liệu cotton để thấm tốt mồ hôi và cho da thông thoáng, thay quần áo thường xuyên. Nhà ở phải thông thoáng, không khói thuốc, không nước hoa, không nuôi chó, mèo. Không để nhiệt độ phòng quá nóng, quá lạnh hay độ ẩm quá thấp, vệ sinh đệm, chăn, gối, giường ngủ của trẻ hàng ngày.
Dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ, chỉ kiêng cử một số thực phẩm nghi ngờ có tính chất gây dị ứng có thể làm bệnh chàm của bé nặng hơn. Cho trẻ uống nhiều nước. Tránh gãi ngứa, chà xát, nên cắt ngắn móng tay để tránh bé gãi khi ngứa làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da. Nên đi găng tay cho bé để hạn chế cào gãi. Không nên tự ý sử dụng thuốc, nhất là thuốc bôi có chứa corticosteroid. Không nên cho bé tiêm chủng trong thời gian điều trị vì có thể làm bệnh nặng thêm.
Lưu ý: Đối với trẻ bị bệnh chàm, cha mẹ cần chú ý tránh cho bé tiếp xúc với các yếu tố có thể gây dị ứng như: Các dị ứng nguyên (thức ăn, không khí ô nhiễm, vật nuôi như chó mèo); Các chất kích ứng da như: xà bông, bột giặt, thuốc tẩy, vải len, khói thuốc… để tránh làm bệnh nặng thêm đồng thời cũng là biện pháp phòng ngừa tái phát bệnh chàm ở trẻ.
Theo Sức Khỏe Đời Sống
Bảo Vân