Dị ứng thời tiết khiến trẻ nhỏ bị cản trở sinh hoạt. Bé sẽ không còn ăn uống ngon miệng, ngủ sâu giấc và hay quấy phá. Đây cũng là tiền đề dẫn đến nhiều căn bệnh khác cho trẻ.

Vào thời tiết giao mùa, đặc biệt là lúc từ thu sang đông, trẻ nhỏ sẽ dễ bị dị ứng thời tiết. Đặc biệt là ở các bé có sức đề kháng kém, thì tình trạng dị ứng sẽ diễn biến phức tạp hơn. Bệnh lý này không gây nguy hiểm trực tiếp cho trẻ nhỏ, thế nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ dễ mắc các bệnh khác. Nhất là đối với gia đình có gen di truyền hen suyễn, trẻ cần được chăm sóc cẩn thận và chú ý các biểu hiện bất thường nếu có. Vậy lý do nào trẻ bị di ứng thời tiết? Và cách khắc phục hay phòng tránh như thế nào?

Những lý do khiến trẻ bị dị ứng thời tiết

Trẻ nhỏ do sức đề kháng còn yếu nên rất dễ bị ứng thời tiết. Dị ứng thường có tính di truyền. Nếu cha hoặc mẹ có cơ địa dị ứng, con cái có nhiều khả năng dễ bị dị ứng. Nguy cơ ngày càng tăng khi cả cha và mẹ đều bị dị ứng. Ngoài ra, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến cho nhiệt độ bên trong và bên ngoài cơ thể bị chênh lệch. Lúc này cơ thể bé sẽ tiết ra một lượng lớn histamin sẽ gây ra tình trạng dị ứng trên da như mẩn đỏ; ngứa ngáy.

Thời tiết khi giao mùa lúc ẩm; lúc hanh khô; lúc nóng lúc lạnh tạo điều kiện thuận lợi cho các phấn hoa; nấm mốc; bụi bẩn phát triển và phát tán mầm bệnh. Đây cũng là một trong những tác nhân gây dị ứng thời tiết.

Phân biệt giữa dị ứng thời tiết với cảm lạnh

Các triệu chứng tại mũi do dị ứng khá giống với cảm lạnh: chảy nước mũi; ngạt mũi; hắt hơi. Tuy nhiên trong viêm mũi do dị ứng thường thấy ngứa mũi nhiều; có thể kèm theo mất vị giác. Nếu do dị ứng, các triệu chứng viêm mũi thường tái diễn nhiều lần. Tương tự nhau mỗi khi tiếp xúc với các dị nguyên như: bụi nhà; lông chó mèo; nơi ẩm mốc;… Triệu chứng của viêm mũi do dị ứng thường kéo dài nhiều ngày; nhiều tuần; theo mùa (liên quan đến mùa phấn hoa) hoặc quanh năm (liên quan đến các dị nguyên như bọ nhà, nấm mốc).

Các triệu chứng toàn thân của viêm mũi dị ứng như mệt mỏi; thiếu ngủ; giảm tập trung thường kéo dài khi bệnh không được điều trị ổn định. Nếu bé có sổ mũi, nên kiểm tra dịch tiết. Nếu chất nhầy đặc và có màu thường là bé bị cảm lạnh hoặc viêm đường hô hấp. Nếu bé bị dị ứng, dịch mũi tiết ra thường trong và lỏng.

Cách xử lý

Cha mẹ cần bình tĩnh quan sát khi thấy trẻ có những biểu hiện dị ứng thời tiết. Trước tiên, hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám tìm nguyên nhân và chỉ định dùng thuốc. Việc sử dụng thuốc tuyệt đối phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý mua và sử dụng thuốc. Trong trường hợp có các dấu hiệu bất thường khi sử dụng thuốc thì cần ngưng sử dụng và đưa trẻ đến bác sĩ để có các biện pháp can thiệp.

Dù hiếm nhưng đôi khi dị ứng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm sốc phản vệ. Những triệu chứng này thường xuất hiện khi bé tiếp xúc với một chất gây dị ứng nhất định sau vài phút. Trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể mất hơn 30 phút để xuất hiện. Các triệu chứng có thể bao gồm: Nổi mề đay, da đỏ ửng, ngứa; Mạch nhanh hay yếu; Nôn, buồn nôn hoặc tiêu chảy; Chóng mặt; Khó thở và thở khò khè… Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất ngay để được xử trí kịp thời.

Theo Afamily

Bảo Vân