Theo số liệu thống kê về sức khỏe trẻ em, số lượng bệnh nhi mắc bệnh viêm đường hô hấp sẽ tăng cao vào mùa đông. Tiết trời se lạnh là điều kiện để virus gây bệnh hô hấp phát triển.

Mỗi khi thời tiết giao mùa từ thu sang đông, trẻ nhỏ thường dễ bị nhiễm lạnh, gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Đây là bệnh lý thường gặp và dễ điều trị ở trẻ. Tuy nhiên đó chỉ là khi bệnh đang trong giai đoạn nhẹ. Nếu như không kịp thời điều trị tận gốc và đúng cách; bệnh tình sẽ trở nặng và gây nên các hậu quả nặng nề. Đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, bệnh nhi có sức đề kháng kém nhất. Vậy làm thế nào để nhận biết trẻ nhỏ nhà mình đang có dấu hiệu của bệnh viêm đường hô hấp? Cách phòng tránh và điều trị bệnh như thế nào?

Dấu hiệu nhận biết viêm đường hô hấp

Triệu chứng thường gặp nhất là sốt, dấu hiệu đầu tiên và quan trọng nhất. Sốt trong các bệnh của viêm đường hô hấp trên thường là sốt cao và thành cơn, thân nhiệt có thể tăng cao 39 – 40 độ C. Kèm theo sốt, trẻ thường nhức đầu, viêm kết mạc mắt, sợ ánh sáng, mắt đỏ, đau, ngứa và chảy nước mắt, hơi thở hôi, đau cơ, mệt mỏi, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy… Thông thường các triệu chứng trên sẽ cải thiện sau 7 – 10 ngày, trẻ sẽ nhanh chóng hồi phục. Dấu hiệu thứ hai là sổ mũi và chảy nước mũi. Đặc điểm dịch nhiều, trong, loãng, không có mủ và không có mùi hôi. Ho cũng là triệu chứng xuất hiện hầu hết trong các bệnh viêm đường hô hấp trên, ho thành cơn hay ho khan, ho có đờm.

Khó thở là một triệu chứng không đặc thù của viêm đường hô hấp trên. Khó thở thường là triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp dưới nhưng trong trường hợp đứa trẻ bị viêm thanh quản thì bé có thể sẽ bị khó thở. Khó thở là triệu chứng rất ít gặp nhưng đã gặp thì thường là dấu hiệu của bệnh nặng, bé phải thở rít, thở khò khè,…

Chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp

Chăm sóc và điều trị tại nhà: với các trường hợp nhẹ và không có biến chứng, cần cho trẻ ăn uống bình thường, tránh kiêng cữ quá mức, tăng cường rau xanh và cho trẻ uống nhiều nước hoa quả. Có thể dùng những thuốc hạ sốt thông thường như: Paracetamol, Efferalgan, Tylenol… kết hợp với dùng nước ấm lau mát để hạ sốt cho trẻ. Dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi và làm thông mũi bé trước khi cho ăn, cho bú.

Trường hợp bé ho có thể cho bé uống thuốc ho dạng thảo dược để làm dịu cơn ho, các thuốc ho dạng khác cần sự chỉ định của bác sĩ. Theo dõi nhiệt độ hàng ngày, nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối 9‰ để tránh nhiễm khuẩn… Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi các dấu hiệu nặng lên như: sốt cao, ho nhiều, nôn ói kéo dài, tiêu chảy nặng, có các dấu hiệu biến chứng về tai, phổi, tiêu hóa, mắt…

Phòng bệnh hô hấp cho trẻ nhỏ

– Bú sữa mẹ.

– Tiêm phòng đầy đủ.

– Vệ sinh mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng nước muối sinh lý.

– Giữ vệ sinh sạch sẽ không gian nhà ở.

– Đeo khẩu trang hoặc bịt mặt cho trẻ khi ra đường.

Theo Sức Khỏe Đời Sống

Bảo Vân