Tay chân miệng là một bệnh lý thường gặp phải ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ ở độ tuổi từ 3 đến 12 tháng tuổi. Căn bệnh này thường bị nhầm với các loại bệnh khác, gây nên nhiều biến chứng nặng nề cho trẻ khi không phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Bé gái 19 tháng tuổi nguy kịch vì tay chân miệng

Theo tin tức y tế vừa qua, một bé gái 19 tháng tuổi đã nhập viện ở Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp trong tình trạng sốt cao, suy hô hấp, toàn thân nổi ban, liệt 2 chi dưới. Sau khi được bác sĩ thăm khám; bé được chẩn đoán đang ở giai đoạn 4 của bệnh tay chân miệng. Đây là mức độ nặng nhất trong quá trình tiến triển của bệnh. Khi nhập viện, bác sĩ phải dùng đến máy thở để hỗ trợ hô hấp.

Sau hơn 30 ngày điều trị với sự dốc sức của y bác sĩ bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, sức khỏe bé đã dần hồi phục tích cực. Bệnh nhi đã có thể tự thở, ăn uống bình thường, các chi hoạt động bình thường.

Lời cảnh báo đến phụ huynh về mức độ nguy hiểm của bệnh

Qua ca bệnh này, BS. Nguyễn Thị Mỹ Linh – Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp nhấn mạnh: Đây là một trường hợp điển hình biến chứng thể nặng của bệnh tay chân miệng. Khi mắc căn bệnh nhiễm virus cấp tính này; nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời; tình trạng chuyển độ có thể tiến triển rất nhanh; và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Do đó, các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý đến các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng. Thông thường quá trình hồi phục di chứng sau bệnh tay chân miệng kéo dài; trường hợp này bệnh nhi có những tiến triển khá nhanh chóng.

BS. Mỹ Linh cũng nhấn mạnh rằng, bệnh tay chân miệng dễ lây lan và có thể gây ra những biến chứng nặng nề. Khi phát hiện con có các triệu chứng: sốt; nôn; giật mình; nổi ban phỏng nước ở tay chân miệng; cha mẹ cần đưa con đi khám ngay. Điều trị di chứng bệnh tay chân miệng là quá trình lâu dài; các bậc cha mẹ hãy giữ cho mình tâm thế lạc quan và niềm tin để đồng hành cùng con trong quá trình hồi phục; bảo vệ sức khỏe trẻ em tuyệt đối.

Cách phòng chống tay chân miệng

  1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em). Đặc biệt trước khi chế biến thức ăn; trước khi ăn/cho trẻ ăn; trước khi bế ẵm trẻ; sau khi đi vệ sinh; sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
  2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín; uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
  3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
  4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  5. Sử dụng WC hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và xử lý sạch sẽ.
  6. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Theo Sức Khỏe Đời Sống

Bảo Vân