Sức khỏe của thanh thiếu niên đang là vấn đề được các bạn trẻ cũng như các vị phụ huynh quan tâm. Do đang trong giai đoạn ngấp nghé chuẩn bị trưởng thành nên sẽ có nhiều yếu tố tác động đến sức khỏe cũng như tâm lý. Ở lứa tuổi này, có khá nhiều căn bệnh mà các bạn trẻ có thể mắc phải, nếu như không biết cách đề phòng; hay chữa trị khi bị bệnh có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng cho sau này. Do đó, để có thể giúp bản thân khỏe mạnh thì cho dù ở trong lứa tuổi nào đi nữa thì việc có một chế độ ăn uống hợp lý và thường xuyên luyện tập thể dục thể thao là rất quan trọng.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc một số thông tin về bốn căn bệnh phổ biến mà các thanh thiếu niên hiện nay dễ mắc phải nhất. Hi vọng với những kiến thức hữu ích này có thể góp phần giúp cho các độc giả hiểu hơn về sức khỏe của mình.

Lang ben

Lang ben là một căn bệnh ngoài da do vi nấm Pityrosporum orbiculaire gây ra. Đây là bệnh thường gặp tại Việt Nam, người bệnh thường cảm thấy ngứa; sang thương da (da biến màu trắng hay đen); vẩy. Việc điều trị bệnh tương đối dễ dàng nhưng vấn đề khó khăn nhất là tình trạng tái phát.

Bệnh thường tiến triển âm thầm và lâu dài từ nhiều tháng đến nhiều năm; lứa tuổi thanh thiếu niên dễ mắc bệnh nhất; chúng tập trung ở lưng, ngực, cổ và mặt trong cánh tay . Thời gian bị bệnh càng lâu thì càng khó chữa. Tỉ lệ mắc bệnh lại sau 1 năm thường cũng khá cao (20%).

Mụn trứng cá

Bệnh trứng cá (mụn trứng cá) là một bệnh ngoài da; chủ yếu gặp ở tuổi thanh thiếu niên nhất là tuổi dậy thì. Thống kê cho thấy có tới 80% thanh thiếu niên Việt Nam mắc bệnh trứng cá.

Mặc dù mụn trứng cá không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng nó lại có ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống bởi bệnh đa phần gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Mụn trứng cá gây cho người bệnh cảm giác bối rối, bất an khi tiếp xúc với người khác. Và thậm chí có thể gây trầm cảm, xa lánh bạn bè, thụ động.

Stress

Không bị nhiều sức ép về đời sống kinh tế hay chuyện kinh doanh như người lớn; nhưng cũng có vô vàn lý do làm cho đối tượng thanh thiếu niên trở nên stress. Thực tế, các bác sĩ cho thấy, stress ở lứa tuổi thanh thiếu niên thường xuất hiện trong các hoàn cảnh như bệnh nhân học hành quá nhiều hay các thất bại trong lĩnh vực học tập; bị áp lực từ phía cha mẹ; có mâu thuẫn với bạn bè; rắc rối trong tình yêu. Hoặc họ gặp các vấn đề trong gia đình: bạo lực; sự bỏ bê; cha mẹ bất hòa hay ly dị… Thậm chí, ngay cả các suy nghĩ tiêu cực về hình dáng cơ thể hay khả năng của bản thân cũng làm cho những “người lớn trẻ con” này bị stress.

Stress ở tuổi thanh thiếu niên, nếu không được can thiệp và điều trị sớm sẽ dẫn đến hành vi tự tử. Vì vậy, trẻ rất cần sự chia sẻ, thông cảm và tôn trọng từ phía người lớn. Những giao tiếp thường xuyên và cởi mở giữa các thành viên trong gia đình sẽ giúp trẻ dễ dàng vượt qua những sang chấn hoặc giúp trẻ tự tin hơn.

Rối loạn hành vi

Gây thương tích cho người khác; chống người thi hành công vụ; nói tục nơi công cộng; ăn cắp; đua xe mạo hiểm trên đường phố; tấn công trẻ em… Đó có thể là hậu quả của sách báo; phim ảnh bạo lực, bạo dâm; các văn hóa phẩm đồi trụy hoặc xuất hiện do ảnh hưởng của nhóm trẻ em xấu.

Các biểu hiện của căn bệnh này rất đa dạng, xuất hiện lặp đi lặp lại và kéo dài ít nhất 6 tháng. Những rối loạn hành vi nhẹ thường thuyên giảm theo thời gian. Nhiều thanh thiếu niên có rối loạn hành vi khi đến tuổi trưởng thành có thể thích ứng xã hội và hoạt động nghề nghiệp vừa phải. Tuy nhiên, những rối loạn nặng thường có khuynh hướng trở thành mạn tính. Những trẻ này rất khó thích ứng với xã hội; thường có hành vi xâm phạm sớm và duy trì đến tuổi trưởng thành. Một số có thể thích ứng với các hoạt động xã hội nhưng vẫn có hành vi chống đối, phạm pháp.

Xem thêm các bài về sức khỏe khác tại đây.

Trích dẫn từ 24h.com.vn
Lê Sơn